Nhờ rừng chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, cộng đồng người Dao tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã và đang từng bước thoát nghèo.
Đối với nhiều người dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang), cây chè không chỉ là kế sinh nhai, là con đường để từng bước thoát nghèo mà hơn thế đó còn là máu thịt và linh hồn của cả một miền biên viễn.
Câu chuyện về hành trình trở thành chỉ dẫn địa lý của những cây chè Shan tuyết trăm tuổi tại Cao Bồ nói riêng và Hà Giang nói chung cũng là câu chuyện về nỗ lực không ngừng nghỉ bám đất, bám rừng để vươn lên của cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây.
“Vương quốc” chè cổ thụ
Chiếc xe 16 chỗ bắt đầu ì ầm đưa đoàn công tác của chúng tôi vượt qua cung đường núi khúc khuỷu để tới xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Lúc này, phía bên ngoài, mưa rừng đã ràn rạt đổ. Trời đặc quánh mây mù và ùn ùn hơi sương trắng xóa. Lên tới độ cao chừng 1.000m so với mực nước biển, những bản làng của người Dao bắt đầu hiện ra với từng mái nhà khang trang nằm nép bên ven đường.
Với cao độ đặc thù của mình, từ hàng trăm năm qua, Cao Bồ đã trở thành vương quốc của những cây chè Shan tuyết cổ thụ.
Ông Lý Quốc Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Bồ không giấu nổi tự hào khi nhắc đến loại đặc sản này của vùng cực Bắc. Theo ông Hưng, xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì ít có cây chè nơi nào sánh được với chè Cao Bồ. Trung bình mỗi cây chè nơi đây đều có “thâm niên” trên dưới 40 năm. Bên cạnh đó còn nhiều cây cổ thụ đã trường tồn tới… 300-400 tuổi.
Ông Hưng hào hứng kể, những người Dao vùng Cực Bắc Tổ quốc ngay từ khi sinh ra đã thấy những “cụ chè” khổng lồ lừng lững bên nhà. Không ai biết giống cây ấy từ đâu mà có. Họ gọi đó là những rừng chè được trời ban cho người Dao ở vùng biên viễn nghèo.
“Cây chè Shan tuyết ở Cao Bồ rất to. Cây lớn nhất cao tới hơn 20m với 500 năm tuổi và phải 2 người ôm mới kín thân. Theo thống kê, toàn xã có tới 850ha chè trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 700ha, được trồng phân tán trong các tán rừng,” chủ tịch xã Cao Bồ cho hay.
Cũng theo ông Hưng, từ năm 2015, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận “Cây Di sản Việt Nam” cho quần thể hơn 200 cây Chè có trên 100 năm tuổi tại địa phương này. Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận Cây Di sản Việt Nam với số lượng lớn như vậy.
Tại khu vực trồng chè của gia đình ông Đặng Văn Chiến, chúng tôi được tận mục sở thị những cây chè trăm năm tuổi thân đã mốc trắng sần sùi đang vươn mình sừng sững. Ông Chiến cho hay, do hợp đất, hợp nước nên chè Cao Bồ phát triển rất tốt. Những cây chè cổ thụ vươn cành ngang như người con gái giang tay đón ánh nắng bình minh. Cá biệt, có những cây chè không cành ngang, chỉ có cành đứng và vươn cao tới hơn chục mét.
“Ở Cao Bồ hiện nay có hai loại chè chính là chè vùng cao với tỷ lệ đường lớn hơn và chè vùng thấp với nhiều chất tanin hơn, khi uống vào sẽ có vị chan chát rất đặc thù. Cả hai loại này đều có mức tiêu thụ rất lớn,” ông chủ vườn hồ hởi kể.
Nhờ giống cây trời ban ấy, đời sống của người Dao Cao Bồ trong một vài năm trở lại đây đã dần trở nên khấm khá hơn. Tính tới tháng 10/2019, gần như 100% các hộ dân trong xã đều trồng chè. Nhiều người đã vui miệng gọi Cao Bồ là vương quốc chè trên xứ biên viễn Hà Giang.
Thoát nghèo từ cây chè cổ
Chủ tịch xã Lý Quốc Hưng cười như được mùa khoe: “Chè chúng tôi làm ra không đủ để bán trong nước. Nhờ chè mà bà con có thêm được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm ổn định.”
Theo ông Hưng, vào thời điểm tháng Hai, tháng Ba âm lịch, mỗi cân chè Cao Bồ được bán với giá 60.000 đồng/kg. Riêng năm 2019, mức giá đã tăng gấp đôi. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn xã đã thu hoạch được 200 tấn chè búp tươi, với giá trị ước tính đạt 10 tỷ đồng.
Bình quân mỗi gia đình, thu nhập từ trồng chè khoảng 42-43 triệu đồng/năm. Cũng có những nhà giàu lên vì trồng chè với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
“Với người Dao Cao Bồ, cây chè Shan tuyết cổ thụ không chỉ là biểu tượng của vùng đất mà còn trở thành con đường giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo hiệu quả,” Chủ tịch xã Lý Quốc Hưng nhấn mạnh.
Bắt đầu canh tác từ năm 2008, sau hơn 10 năm, ông đã có trong tay một cơ ngơi khang trang với căn nhà còn thơm mùi gỗ và nhiều đồ đạc mới. Ngồi nhẩm tính, ông Chiến bảo, mỗi năm, cây chè mang về cho gia đình ông từ 100-50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển.
Một tín hiệu đáng mừng là thứ đặc sản vùng Đông Bắc Việt Nam ấy đã và đang từng bước chinh phục được một loạt thị trường khó tính ở nước ngoài.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân xã Cao Bồ, để đảm bảo chất lượng, người dân địa phương hoàn toàn không sử dụng bất cứ một loại thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nào trong suốt quá trình sản xuất. Tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến… đều được làm tự nhiên theo cách thức cổ truyền.
“Chúng tôi quán triệt chỉ sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Vì vậy, ngay từ năm 2011, Tổ chức ACT của Thái Lan (một tổ chức kiểm tra và chứng nhận các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế) đã cấp chứng chỉ chè hữu cơ – Organic Cao Bồ,” ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, do đảm bảo được chất lượng, hiện nay, các sản phẩm chè Cao Bồ đã được xuất khẩu ra nhiều nước. Mỗi năm, 1/4 sản lượng chè ở đây thông qua Công ty Cổ phần Trà hữu cơ Cao Bồ đóng gói, chế biến để “lên đường” sang châu Âu, sản lượng còn lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chè ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Phản hồi từ các đối tác nước ngoài cũng hết sức tích cực. Chúng tôi đang nỗ lực biến cây chè thành lợi thế, chuyển đổi từ cây giúp thoát nghèo trở thành thứ cây đặc sản mà nhắc tới nó người ta sẽ nhớ tới Cao Bồ,” ông Hưng khẳng định./.